Đăng ký quyền tác giả nên hay không?

Dựa trên tình hình tranh chấp liên quan đến quyền tác giả (trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, hội họa, biểu diễn v.v) và các quy định của pháp luật, có thể khẳng định việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với mọi loại tác phẩm là rất cần thiết. Tuy nhiên, khác với logo (nhãn hiệu), sáng chế hay kiểu dáng sản phẩm, quyền tác giả có những điểm khác biệt rõ ràng, nhất là về cơ chế phát sinh và xác lập. Nói cách khác, tác giả không nhất thiết phải đăng ký mới có thể được pháp luật bảo hộ. Vậy Đăng ký quyền tác giả nên hay không?

Quyền tác giả phát sinh khi nào?

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (khoản 1 Điều 6), quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện. Nó không phải căn cứ vào quyết định cấp văn bằng bảo hộ như quyền hữu công nghiệp (liên quan đến logo, sáng chế, kiểu dáng v.v). Nói cách khác, khi một nhạc sỹ, hay một kỹ sư phần mềm (coder, developer…) tạo ra một tác phẩm/sản phẩm và ghi ra một trang giấy, một tệp tin điện tử) thì quyền tác giả đã phát sinh mà không cần thông qua cơ chế đăng ký bảo hộ.

Đăng ký quyền tác giả được hiểu ra sao?

Đăng ký quyền tác giả là việc Cục Bản quyền tác giả chỉ chứng nhận hành vi đăng ký mà không chứng nhận việc tác giả đó có thực sự là người sáng tạo ra tác phẩm hay không.

Phù hợp với nguyên tắc trên, khi tác giả hoặc người được tác giả ủy quyền đến Cục Bản quyền tác giả (cơ quan nhà nước thuộc Bộ VHTT&DL) nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả, Cục sẽ cấp cho tác giả đó GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, bản thân tên của văn bằng đã cho thấy ý nghĩa của nó. Đó là Cục Bản quyền tác giả chỉ chứng nhận hành vi đăng ký mà không chứng nhận việc tác giả đó có thực sự là người sáng tạo ra tác phảm hay không. Dựa trên nguyên tắc trung thực khi khai báo thông tin trên hồ sơ, Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận dựa trên đề nghị của người nộp hồ sơ. Nếu có căn cứ cho rằng người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả không trung thực, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ bị hủy bỏ hiệu lực.

Thoạt tiên, cơ chế cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả theo hướng không chứng nhận tác giả mà chỉ dựa vào hồ sơ như trên là không đáng tin cậy, tuy nhiên quy định đó là phù hợp với luật sở hữu trí tuệ và thực tế quá trình sáng tạo ra tác phẩm. Như đã phân tích ở bài viết “Đăng ký bản quyền để làm gì?”, một tác phẩm được tạo ra bởi ý tưởng của tác giả và hoàn toàn vô hình cho đến khi nó được thể hiện trên giấy hoặc bất kỳ phương tiện gì. Do đó,  Cục Bản quyền tác giả không thể chứng nhận một người đích thực là tác giả vì quá trình làm phát sinh quyền tác giả không thể hiện được trên hồ sơ.

Thực tế áp dụng việc Đăng ký quyền tác giả

Trên thực tế, đã có thời gian việc đăng ký bản quyền tác giả được thực hiện theo cơ chế chứng nhận. Tức là công nhận người đăng ký chính là tác giả như các văn bằng được cấp bởi Cục Quyền tác giả văn học – nghệ thuật; Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam (hiện đã không còn cấp mới văn bằng). Các văn bằng được cấp theo cơ chế này mang tên GIẤY CHỨNG NHẬN BẢN QUYỀN TÁC GIẢ và xác lập quyền cho tác giả thông qua văn bằng. Trải qua quá trình sửa đổi luật Sở hữu trí tuệ, cơ chế bảo hộ quyền tác giả chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả như hiện nay.

Mặc dù không có chức năng chứng minh người có tên trong hồ sơ đăng ký thực sự là tác giả. Nhưng GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN TÁC GIẢ vẫn là căn cứ quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp quyền tác giả và là hồ sơ quan trọng trong việc khai thác thương mại tác phẩm.

Việc Đăng ký quyền tác giả được xem là căn cứ giải quyết tranh chấp như thế nào?

Thứ nhất, ngoài tờ khai thông tin, các tài liệu về bản sao chụp tác phẩm trong hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả là một căn cứ để chứng minh tác giả đã tạo ra tác phẩm khi nắm giữ bản gốc (bản định hình đầu tiên) của tác phẩm. Một cá nhân, tổ chức mạo danh sẽ bị hạn chế về khả năng tiếp cận bản gốc (hay bản định hình đầu tiên) tác phẩm, từ đó khó có khả năng nộp hồ sơ đăng ký để chiếm quyền tác giả, nhất là đối với các tác phẩm chưa được công bố rộng rãi. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền tác giả, mọi chứng cứ liên quan đến hồ sơ đăng ký quyền tác giả, trong đó có chứng cứ về quá trình tạo ra bản sao tác phẩm sẽ hỗ trợ việc chứng minh ai thực sự là tác giả.

Thứ hai, khi thương mại hóa tác phẩm qua các hợp đồng phân phối, một tác giả hay tổ chức, cá nhân nắm giữ quyền tác giả sẽ thuận lợi trong việc chứng minh mình là người có quyền đối với tác phẩm. Ví dụ, một hợp đồng xuất bản, ghi âm tác phẩm ca nhạc sẽ dễ dàng đươc ký kết hơn nếu tác giả đưa ra Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả mang tên mình.

Tóm lại, việc đăng ký quyền tác giả dù không có giá trị chứng minh nhưng là công cụ góp phần khẳng định quyền của một tác giả đối với tác phẩm. Do đó, các tác giả, người sáng tạo nội dung trên môi trường internet cần quan tâm và thực hiện việc đăng ký để có thêm công cụ bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Mọi vấn đề cần giải đáp liên quan đến quyền tác giả, vui lòng liên hệ Legal Art để được tư vấn.

Các dịch vụ của chúng tôi